Toàn cảnh loạt dự án hạ tầng giao thông hơn 10.000 tỷ đồng đang làm thay đổi diện mạo BĐS khu Nam Sài Gòn…

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, mật độ dân cư khu vực phía Nam TP HCM (quận 7, 8 và huyện Nhà Bè) hiện tăng gấp hàng chục lần so với 10 năm trước. Vì vậy, trong số 12 dự án (tổng vốn 66.000 tỷ đồng) vừa được UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho triển khai cấp bách có 3 dự án nhằm “giải cứu” ùn tắc cho khu này.

Được kỳ vọng nhiều nhất là dự án vành đai 2 kết nối 3 quận huyện quận 7, 8 và huyện Nhà Bè để hoàn thiện trục giao thông Bắc – Nam với tổng mức đầu tư khoảng 9.430 tỷ đồng. Khi hoàn thành, tuyến đường mở ra hướng lưu thông mới từ trung tâm TP.HCM về phía Nam và ngược lại (thay vì phải đi theo hướng cầu Kênh Tẻ đang bị quá tải).

Tiếp đó là dự án đầu tư hầm chui tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Linh (quận 7) giúp giao thông thông suốt theo hai trục Bắc – Nam và Đông – Tây. Song song đó, tuyến metro số 4 (đi qua các Quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò vấp, Phú Nhuận và Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ Nguyễn Văn Linh đến khu đô thị Cảng Hiệp Phước. Bên cạnh đó là các dự án đã được TP.HCM đầu tư từ năm 2016 xây dựng các gói thầu thuộc nút giao thông Mỹ Thủy như cầu Kỳ Hà 3, xây dựng cầu vượt trên đường Vành đai 2 và hầm chui rẽ trái Vành đai 2 đi cảng Cát Lái (quận 2), với tổng mức đầu tư trên 837 tỉ đồng. Tiếp đó là dự án xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), tổng mức đầu tư gần 412 tỉ đồng. So với dự án nút giao thông Mỹ Thủy thì dự án này cũng đóng góp vai trò quan trọng, tạo điều kiện kết nối hệ thống cảng nội địa TP với cảng nước sâu Soài Rạp thông qua các trục đường Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ… Ngoài ra còn dự án đường D1 – kết nối Trường Đại học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và khu dân cư Him Lam (quận 7) – tổng vốn đầu tư gần 290 tỉ đồng. Một số dự án khác cũng được đề xuất đầu tư, như: xây mới cầu Rạch Gia trên đường An Phú Tây (huyện Bình Chánh); xây cầu kết nối giữa cầu Nguyễn Tri Phương với đường Võ Văn Kiệt (quận 5)… Theo đánh giá của Sở GTVT, các dự án hạ tầng giao thông khu Nam sau khi hoàn thành sẽ tháo “ngòi” cho khu vực cảng Cát Lái và các tuyến đường lân cận như Vành đai 2, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ thoát cảnh kẹt xe, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông về khu đô thị cảng Hiệp Phước (Nhà Bè). “Hiện cơ sở hạ tầng giao thông thành phố chưa phát triển kịp so quá trình đô thị hóa dẫn đến áp lực rất lớn, nhất là các khu vực có cao ốc, khu đô thị với mật độ dân số cao như dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Linh, Đào Trí (quận 7)… Thời gian qua TP.HCM đã đầu tư nhiều tuyến đường lớn nhưng vẫn chưa “ăn thua”. Do đó, trong những năm tới, TP.HCM phải cải thiện nhiều về hạ tầng giao thông mới đáp ứng đủ”, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết.

Đăng Khải

Theo Trí thức trẻ

090 8551 208